Thứ Hai, tháng 11 14, 2005

HIỂU BIẾT CƠ BẢN VỀ CÚM GIA CẦM


Bệnh cúm là gì?

Cúm là một bệnh truyền nhiễm gây dịch viêm đường hô hấp cấp tính do virút. Triệu chứng chính là sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng, ho, có thể viêm phổi. Bệnh thường kéo dài 2-5 ngày. Tác nhân gây bệnh là 3 typ virút cúm A-B-C. Gây bệnh phổ biến trên người với tỉ lệ tử vong cao là virút cúm typ A và B . Týp C chỉ gây bệnh nhẹ, tản phát.

Tại sao gọi là cúm gà?

Do sự thích nghi loài, một số phân typ virút cúm A có thể gây bệnh cho gia cầm như các phân typ H5N1, H7N7.... Đặc biệt virút cúm A H5N1 rất mãnh độc với loài gà. Từ đó y học có tên gọi cúm gà hay cúm gia cầm có cùng căn nguyên typ virút cúm A với cúm người, nhưng khác về phân typ.

Virút cúm A H5N1 gây bệnh cúm gà có nguy hiểm cho người?

Phân typ virút cúm A H5N1 có ổ chứa thiên nhiên là các loài chim hoang dã và một số loài thủy cầm, gia cầm như gà. Với cơ thể người, virút cúm A H5N1 hoàn toàn xa lạ. Người bình thường không có hàng rào miễn dịch để chống lại nó, khi có điều kiện xâm nhập vào cơ thể người do tiếp xúc gần như ăn thịt, trứng gia cầm mang virút cúm A H5N1 thì virút này có khả năng gây bệnh rất nặng cho người, tỉ lệ tử vong cao. Người bệnh sốt cao liên tục, có thể rét run, ho khan (ít khi có viêm long đường hô hấp), đau họng, đau ngực, đau cơ, tiêu chảy, khó thở, tím tái, nặng hơn có thể có hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển nhanh, nhịp tim nhanh, rối loạn ý thức và suy đa tạng.

Ai dễ bị cúm?

Người trên 65 tuổi, trẻ em từ 6-23 tháng tuổivà cả người lớn mắc những bệnh mạn tính như tim, phổi, phụ nữ mang thai trong mùa đông, trẻ em từ 6-18 tháng tuổi đang uống aspirin kéo dài, những bác sĩ-y tá chuyên chăm sóc người bệnh cúm. Đối tượng bị nhiễm virút cúm A H5N1 hiện đã mở rộng .

Virút cúm A H5N1 biến đổi thế nào?

Virus cúm A H5N1 được tìm thấy ở Việt Nam đã có biến đổi gene khá khác biệt so với loại virus được tìm thấy hồi đầu năm 2004. Ngoài ra dấu hiệu bất thường của nó là xuất hiện 3 dạng nhiễm ẩn virút cúm A H5N1(bị nhiễm, nhưng không phát bệnh). Quá trình biến đổi của virút cúm A H5N1 diễn ra theo nhiều bước nhỏ.

Tránh virút cúm ra sao?

Tiêm phòng vắcxin cúm. Nếu không tiêm thì biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất là rửa tay thường xuyên, tránh sờ lên mắt, mũi, hoặc miệng. Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi. Không cho trẻ đến trường khi bị cúm. Uống vitamin C (500-2000 mg/ngày). Dùng thuốc xịt mũi flumist có tác dụng chống virút cúm lây qua đường hô hấp. Với người trên 65 tuổi, mắc các bệnh mạn tính, bệnh phổi thì nên tiêm vắcxin ngừa viêm phổi.

BS Cao Văn Viên

Xem thêm - Bộ Y tế

Không có nhận xét nào: