Thứ Hai, tháng 11 28, 2005
Những đại dịch trong lịch sử nhân loại
Đại dịch, hay dịch toàn cầu, là sự bùng phát của một bệnh nhiễm trùng xảy ra ở người hoặc động vật trên một vùng địa lý rộng lớn.
Một chứng bệnh nào đó không phải là đại dịch chỉ vì nó giết chết nhiều người. Ví dụ, bệnh ung thư khiến nhiều người chết. Nhưng tử vong và tàn phế do ung thư không được xem là đại dịch, vì đó không phải là bệnh nhiễm trùng (mặc dù một số tác nhân nhiễm trùng làm tăng nguy cơ ung thư).
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, một đại dịch có thể bắt đầu khi thỏa mãn 3 điều kiện sau:
1) Xuất hiện một tác nhân gây bệnh mới đối với quần thể.
2) Tác nhân gây bệnh nhiễm sang người, gây bệnh nặng.
3) Tác nhân gây bệnh dễ dàng lây lan và có thể chứng minh được ở người.
Những vụ đại dịch trong lịch sử:
Đã có nhiều dịch lớn xảy ra trong lịch sử nhân loại, nói chung tất cả đều là bệnh ở động vật và xảy ra cùng với quá trình thuần hóa vật nuôi – như bệnh cúm và lao. Đã có những vụ dịch đặc biệt có ý nghĩa đáng được nhắc đến nhiều hơn là sự phá hủy "đơn thuần" các thành phố
* Cuộc chiến Peloponnesian, năm 430 tr.CN. Trong 4 năm, một tác nhân bí ẩn đã giết chết một phần tư quân đội và dân cư Athen. Căn bệnh chết người này làm suy yếu thế thống trị của Athen, nhưng chính độc lực của bệnh đã ngăn không cho nó lan rộng hơn; nghĩa là nó giết chết người bệnh nhanh đến mức bệnh nhân không kịp lây bệnh sang người khác.
* Bệnh dịch Antonine, năm 165-180. Có lẽ bệnh đậu mùa đã quay lại vùng Cận Đông; giết chết một phần tư số người nhiễm và tổng số có tới 5 triệu nạn nhân. Trong thời kì cao điểm của vụ dịch thứ hai (năm 251 – 266), người ta kể rằng chỉ trong một ngày đã có 5000 người chết ở Rome.
* Bệnh dịch Justinian, bắt đầu năm 541. Đây là vụ dịch hạch đầu tiên được ghi nhận trong lịch sử. Nó bắt đầu ở Ai Cập và lan tới Constantinople vào mùa xuân sau đó. Theo ghi chép của một sử gia Byzantine là Procopius, vào lúc cao điểm có tới 10000 người chết chỉ trong một ngày và dịch bệnh đã giết chết 40 phần trăm cư dân của thành phố. Dịch bệnh đã cướp đi một phần tư dân số miền đông Địa Trung Hải.
* Cái chết Đen, bắt đầu vào những năm 1300. Tám trăm năm sau vụ dịch cuối cùng, dịch hạch quay trở lại châu Âu. Bắt đầu ở châu Á, bệnh lan tới vùng Địa Trung Hải và Tây Âu vào năm 1348 (có lẽ từ các nhà buôn Italia chạy trốn khỏi cuộc chiến ở Crimea), và đã giết chết 20 triệu người châu Âu trong 6 năm, một phần tư dân số và ở những vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất có tới một nửa số người dân bị chết do dịch bệnh.
* Dịch tả
- Vụ dịch đầu tiên năm 1816-1826. Trước đó chỉ hạn chế ở vùng tiểu lục địa Ấn Độ, dịch bắt đầu ở Bengal, và đến năm 1820 thì đã lan ra toàn Ấn Độ. Dịch bệnh còn lan sang cả Trung Quốc và Biển Caspian trước khi lui dần.
- Vụ dịch thứ hai (1829-1851) lan tới châu Âu, London năm 1832, Ontario Canada và New York cũng trong năm đó, và đến năm 1834 thì lan tới vùng duyên hải Đại Tây Dương của Bắc Mỹ.
- Vụ dịch thứ ba (1852-1860) chủ yếu xảy ra ở Nga với hơn 1 triệu người chết.
- Vụ dịch thứ tư (1863-1875) chủ yếu lan tràn ở châu Âu và châu Phi.
- Vụ dịch thứ sáu (1899-1923) ít ảnh hưởng đến châu Âu do những tiến bộ trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng, nhưng Nga lại bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
- Vụ dịch thứ bảy bắt đầu ở Indonesia năm 1961, được gọi là dịch El Tor theo tên của chủng vi khuẩn, lan tới Bangladesh năm 1963, Ấn Độ năm 1964 và Liên Xô năm 1966.
* Dịch cúm Tây Ban Nha (1918-1919) bắt đầu vào tháng 8/1918 ở ba địa điểm cách xa nhau: Brest (Boston), Massachusetts và Freetown. Sau đó chủng cúm bất thường và nguy hiểm này đã lan ra khắp thế giới. Trong vòng 6 tháng dịch bệnh đã giết chết 25 triệu người; ước tính số người chết vì bệnh trên toàn thế giới gấp đôi con số này. Ấn Độ có 17 triệu người chết, Mỹ 5 triệu người và Anh là 200 000 người. Bệnh biến mất dần trong vòng 18 tháng và người ta vẫn chưa xác định được chủng cúm thực sự đã gây ra vụ dịch này, mặc dù một số nỗ lực gần đây nhằm tái tạo lại gen của virus đã đạt được thành công.
* Dịch cúm Châu Á (1957-1958). Virus H2N2 đã cướp đi tính mạng của khoảng 70 000 người ở Mỹ. Được xác định đầu tiên ở Trung Quốc vào cuối tháng 2/1957 và đến tháng 6/1957 thì cúm Châu Á lan tới Mỹ.
* Dịch cúm Hồng Công (1968-1969). Virus H3N2 gây ra khoảng 34 000 ca tử vong ở Mỹ. Virus này được phát hiện lần đầu tiên ở Hồng Kông vào đầu năm 1968 và lan tới Mỹ vào cuối năm đó. Virus cúm A (H3N2) này hiện vẫn đang lưu hành.
* Dịch SARS 2003. Coronavirus SARS bắt nguồn từ Trung Quốc Đại lục lan sang Hồng Công và sau đó chủ yếu lây lan ở Đài Loan , Singapore và Toronto (Canada) và nhiều nước khác. Việt Nam cũng có 5 người chết trong vụ dịch này.
Một bệnh dịch hay gặp trong thời chiến là thương hàn. Xuất hiện trong Cuộc Thập tự chinh, bệnh thương hàn tác động đến châu Âu lần đầu tiên vào năm 1489 ở Tây Ban Nha. Trong cuộc chiến giữa người Thiên chúa giáo Tây Ban Nha với người Hồi giáo ở Granada, quân Tây Ban Nha mất 3000 người vì chiến trận và 20 000 người vì bệnh thương hàn. Năm 1542 quân Pháp mất 18 000 binh sĩ ở Italy và mất thế thượng phong vào tay người Tây Ban Nha. Năm 1542, 30 000 người chết do thương hàn trong chiến tranh với đế chế Ottomans ở Balkans. Bệnh cũng đóng vai trò chính trong sự thất bại của đội quân Napoleon ở Nga năm 1811. Bệnh thương hàn đã giết chết vô số tù nhân ở các trại tập trung của Đức Quốc xã trong Thế chiến thứ II.
Cuộc chạm trán giữa các nhà thám hiểm người Âu với dân cư ở những nơi khác trên thế giới thường gây ra những vụ dịch địa phương đặc biệt nguy hiểm. Theo chân đội quân viễn chinh của châu Âu, dịch bệnh đã giết chết toàn bộ thổ dân (Guanches) ở vùng quần đảo Canary vào thế kỷ 16. Một nửa số cư dân bản địa của Hispaniola năm 1518 bị chết vì đậu mùa. Bệnh đậu mùa cũng tàn phá Mexico vào những năm 1520, giết chết 150 000 người riêng ở Tenochtitlán, và tàn phá Peru những năm 1530. Bệnh sởi đã giết thêm 2 triệu thổ dân Mexico nữa vào những năm 1600. Muộn hơn, vào những năm 1848-1849, chừng 40 000 trong số 150 000 thổ dân Hawaii bị chết do sởi, ho gà và cúm.
Còn có vô số căn bệnh chưa được biết rõ khác cực kỳ nguy hiểm nhưng hiện đã biến mất, do đó không thể xác định được căn nguyên. Ví dụ như một vụ dịch đã nói đến ở trên xảy ra năm 430 tr.CN ở Hy Lạp và vụ dịch có tên English Sweat hồi thế kỷ 16 ở Anh, khiến người bệnh gục ngã ngay trong chốc lát và còn đáng sợ hơn cả dịch hạch.
Mối lo ngại về những đại dịch có thể xảy ra trong tương lai:
Những bệnh có thể đạt tới tầm mức đại dịch bao gồm bệnh sốt Lassa, bệnh sốt Thung lũng Rift, virus Marburg, virus Ebola và sốt xuất huyết Bolivia. Tuy nhiên, từ năm 2002, sự xuất hiện của những bệnh này ở người đã cho thấy chúng có độc tính cao, nhưng có xu hướng chỉ “bùng phát” ở một số vùng nhất định hoặc giả tác động của chúng trên người hiện đã được hạn chế.
HIV – virus gây bệnh AIDS – có thể xem là một đại dịch toàn cầu nhưng hiện nó chỉ lây lan mạnh nhất ở miền Nam và miền Đông châu Phi. Ở các nước khác bệnh đã được giới hạn trong một tỷ lệ nhỏ dân cư và hiện chỉ lây lan chậm ở những nước này. Nếu có một đại dịch thực sự thì rất có thể nó sẽ giống như HIV, nghĩa là một bệnh luôn tiến hóa.
Các vi khuẩn kháng kháng sinh cũng làm sống lại những căn bệnh đã từng bị đánh bại. Năm 2003, người ta đã lo ngại rằng SARS, một dạng viêm phổi mới rất dễ lây, có thể trở thành đại dịch.
Lịch sử cũng đã ghi nhận rằng cứ 20 đến 40 năm một lần lại có những đại dịch cúm với mức độ nặng khác nhau. Tháng 2/2004, virus cúm gà được phát hiện trên lợn ở Việt Nam, làm tăng mối lo ngại về sự xuất hiện của những chủng biến thể mới. Các chuyên gia lo sợ rằng virus cúm gà đang có sự trao đổi kháng nguyên với virus cúm người, tạo ra một thứ týp mới vừa dễ lây vừa có độc tính cao ở người. Một thứ týp như vậy có thể gây đại dịch cúm trên toàn cầu, giống như dịch cúm Tây Ban Nha, hay như dịch cúm châu Á hoặc cúm Hông Công là những vụ dịch có tỷ lệ tử vong thấp hơn.
Tháng 11/2004 Giám đốc Khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO cho biết một đại dịch cúm là không thể tránh khỏi và kêu gọi cần có phương án khẩn cấp để đối phó với virus. Tháng 5/2005, các nhà khoa học khẩn cấp kêu gọi các nước chuẩn bị đối phó với một đại dịch cúm toàn cầu có thể quật ngã khoảng 20% dân số thế giới.
Tháng 10/2005, đã phát hiện được cúm gia cầm (chủng H5N1) ở Thổ Nhĩ Kỳ. Cao ủy Y tế EU Markos Kyprianou nói: “Hiện nay chúng tôi đã nhận được sự khẳng định rằng virus tìm thấy ở Thổ Nhĩ Kỳ là virus cúm gia cầm H5N1. Có mối liên quan trực tiếp với virus tìm thấy ở Nga, Mông Cổ và Trung Quốc.” Chỉ một thời gian ngắn sau đó các trường hợp cúm gia cầm cũng được xác định ở biên giới Rumani, và Hy Lạp. Những trường hợp nghi có virus cũng được phát hiện ở Croatia, Bulgari và ở Anh. Tuy nhiên, tính đến cuối tháng 10/2005, mới chỉ có 67 người bị chết do virus H5N1, không giống như những đại dịch cúm đã từng xảy ra trong lịch sử.
(Theo cimsi)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét